Theo thống kê mới đây, lạm phát thực phẩm ở Hàn Quốc tăng vọt lên 6,95% trong tháng Hai, cao thứ 3 trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Điều này đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 2 năm, lạm phát thực phẩm của Hàn Quốc vượt mức trung bình của OECD – hiện ở mức 5,32%.
Số liệu thống kê của OECD cho tháng Hai được công bố ngày 21/4 cho thấy Hàn Quốc đứng thứ 3 trong số 38 quốc gia thành viên OECD về lạm phát thực phẩm và đồ uống không cồn, chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ với 71,12% và Iceland với 7,52%.
Giá lương thực toàn cầu bắt đầu tăng sau khi xảy ra xung đột Nga- Ukraine vào tháng 2/2022, cộng thêm với giá năng lượng cao và thiệt hại do hạn hán nghiêm trọng. Do đó, mức tăng giá lương thực trung bình ở các nước OECD vốn dưới 5% vào năm 2021 đã tăng lên 16,19% vào tháng 11/2022. Kể từ đó, tỷ lệ này nhanh chóng trở lại bình thường, giảm xuống dưới 10% vào tháng 7/2023 và đạt khoảng 5% vào tháng 2/2024, ngang bằng với giai đoạn ngay trước cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát.
Để ổn định giá trái cây, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng thuế hạn ngạch đối với 21 loại trái cây, bao gồm chuối và xoài vào tháng 1/2024. Đến tháng Tư, Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng biện pháp này để bao gồm thêm 8 mặt hàng khác, như kiwi và anh đào.
Hàn Quốc cũng mở rộng phân phối của Tập đoàn Thương mại Thực phẩm & Nông sản Hàn Quốc (aT) để người tiêu dùng có thể mua trái cây nhập khẩu với giá phải chăng hơn. Theo thông báo của aT, kể từ ngày 4/4, những loại trái cây này đã được cung cấp tới hơn 12.000 khu vực trên toàn quốc với mức chiết khấu từ 20-30%.
Trong bối cảnh khó khăn này, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ bày tỏ mong muốn Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) tăng lãi suất chính sách, vốn được giữ ở mức 3,5% kể từ tháng 1/2023. Lý do đưa ra là vì việc tăng lãi suất chuẩn của BoK chủ yếu nhằm mục đích kiềm chế lạm phát khi nó ở mức cao không thể chấp nhận được. Các doanh nghiệp đưa ra mong muốn này dù họ biết lãi suất cao hơn sẽ khiến việc trả nợ của họ trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, ông Ha Joon-kyung, Giáo sư Đại học Hanyang, vẫn hoài nghi về hiệu quả tiềm tàng của việc tăng lãi suất đối với việc tiếp thêm sinh lực cho doanh nghiệp. Theo ông, động thái đó sẽ làm trầm trọng thêm khoản nợ hộ gia đình vốn đã ở mức nghiêm trọng của đất nước.
Theo báo cáo gần đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tỷ lệ nợ hộ gia đình trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc ở mức 100,1% tính đến quý IV/2023, cao nhất trong số 34 quốc gia được khảo sát.
Giáo sư Ha lưu ý rằng nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ dựa vào chương trình cứu trợ do chính phủ điều hành để cho phép họ trì hoãn việc trả nợ. Chương trình bắt đầu vào tháng 4/2020 để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và những người mắc nợ khác. Kể từ đó, chương trình đã được gia hạn liên tục 6 tháng một lần.